Bảng thông báo ở New York hiển thị phí ùn tắc sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 5-1 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, kế hoạch này gây tranh cãi dữ dội và đặt chính quyền địa phương vào thế đối đầu với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Hệ thống thu phí phức tạpTheo kế hoạch thu phí, hầu hết ô tô khi đi vào khu vực trung tâm thương mại của Manhattan sẽ phải trả mức phí 9 USD (khoảng 230.000 VNĐ), áp dụng từ 5h sáng đến 9h tối vào các ngày trong tuần và từ 9h sáng đến 9h tối vào cuối tuần. Ngoài giờ cao điểm, phí sẽ được giảm 75% (còn 2,25 USD).
Xe tải nhỏ và xe buýt không phục vụ đi lại hằng ngày sẽ phải trả 14,4 USD khi vào Manhattan trong giờ cao điểm, trong khi xe tải lớn và xe buýt du lịch sẽ chịu mức phí 21,6 USD.
Người lái xe chỉ bị tính phí một lần mỗi ngày. Một số trường hợp được miễn trừ bao gồm các phương tiện khẩn cấp và xe chính phủ, người có thu nhập thấp hoặc có tình trạng y tế khiến họ không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Xe buýt trường học và xe buýt phục vụ đi lại hằng ngày cũng được miễn phí, Đài CBS News đưa tin.
Thái Lan nghiên cứu thu 'phí kẹt xe’ ở thủ đô BangkokĐỌC NGAYViệc áp dụng thu phí này được cho là sẽ giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và tài trợ nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm ở New York.
Sau 12 tiếng áp dụng chính sách mới, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Cơ quan Giao thông đô thị New York (MTA) Janno Lieber cho biết trong một cuộc họp báo rằng mọi thứ đến nay vẫn "diễn ra suôn sẻ", tình trạng ùn tắc có cải thiện nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá chính xác mức độ thành công của kế hoạch.
"Đây là hệ thống thu phí với mức độ phức tạp chưa từng có trước đây. Mọi người sẽ cần thời gian để thích nghi với nó - ông Lieber cho biết - Chúng tôi sẽ có những con số cụ thể và so sánh trong vài ngày tới. Thông tin sẽ được công khai".
Theo các quan chức địa phương, khu vực này tiếp nhận hơn 700.000 phương tiện qua lại mỗi ngày, kết hợp với tình trạng kẹt xe nghiêm trọng khiến tốc độ di chuyển trung bình chỉ còn 11km/h và còn chậm hơn ở một số khu vực khác.
"Chúng tôi đang cố gắng đối phó với thực tế là tình trạng ùn tắc giao thông đang gây tổn hại cho thành phố chúng ta, làm mất thời gian và tiền bạc của mọi người, đồng thời bảo vệ lợi ích của người dân New York từ góc độ sức khỏe", ông Lieber chia sẻ.
MTA dự đoán số lượng xe hơi và xe tải đi qua khu vực này sẽ giảm 10% sau khi áp dụng mức phí. Các lãnh đạo MTA cũng cam kết hàng tỉ USD thu được từ chương trình sẽ được sử dụng để hiện đại hóa hệ thống giao thông trên toàn khu vực.
"Tôi nghĩ ý tưởng này khá tốt khi làm giảm bớt lưu lượng giao thông và khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện công cộng" - ông Phil Bauer, người dân sinh sống ở Manhattan, chia sẻ.
Tranh cãiChương trình thu phí ùn tắc giao thông được Thống đốc bang New York Kathy Hochul khởi động lại sau hai năm trì hoãn và điều chỉnh do những phàn nàn từ người dân và các doanh nghiệp cho rằng mức phí đề xuất ban đầu (15 USD) là không công bằng.
Tuy nhiên, lý do để chính quyền New York gấp rút phê duyệt chương trình này là vì ông Trump sắp nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1 tới.
Ông Trump, một người gốc New York, đã tuyên bố sẽ hủy bỏ kế hoạch này khi ông trở lại Nhà Trắng, gọi mức phí này là "loại thuế thụt lùi nhất mà loài người từng biết".
Theo ông, chương trình thu phí ùn tắc chưa bao giờ thành công và sẽ càng tồi tệ hơn đối với một thành phố, thị trấn hoặc làng mạc đang cố gắng phục hồi sau những khó khăn như New York hiện nay. Ông cho rằng điều này sẽ khiến New York bị thiệt thòi so với các thành phố và tiểu bang khác vì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ rời đi khi phí ùn tắc giao thông được áp dụng.
"Không chỉ là một khoản thuế khổng lồ đối với những người vào thành phố, nó còn rất bất tiện đối với cả việc lái xe và quản lý tài chính cá nhân. New York gần như không thể phục hồi khi phí ùn tắc có hiệu lực", ông nói vào tháng 11 năm ngoái.
Thậm chí nhiều ý kiến ở những khu vực lân cận New York cũng cho rằng thu phí sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cản trở người dân di chuyển đến Manhattan. "Việc lái xe vào Manhattan sẽ trở thành một dịch vụ xa xỉ", một nhà báo làm việc tại New York chia sẻ.
Trong cuộc khảo sát của Trường đại học Siena vào đầu tháng trước, có tới hơn một nửa số lượng người dân New York được hỏi đã phản đối kế hoạch này (51%), trong khi 29% ủng hộ và 20% còn lại chưa quyết định.
Hiệp hội Các tài xế lái xe taxi cũng lên tiếng không đồng tình dù các tài xế không phải trả phí trực tiếp nhưng khách hàng của họ sẽ bị tính phụ phí. "Phí cầu đường tăng, cầu cống tăng, giá cả cũng tăng. Thật tệ hại!" - ông Lyft Jose Siera, tài xế, bức xúc.
Singapore tiên phong thu phíSingapore đã triển khai hệ thống thu phí ùn tắc giao thông Electronic Road Pricing (ERP) từ năm 1998, là nước đầu tiên áp dụng loại phí này trên thế giới. Hệ thống sử dụng công nghệ điện tử, yêu cầu các phương tiện cài đặt thiết bị nhận diện và thanh toán tự động khi đi qua các cổng thu phí ở các khu vực tắc nghẽn. Phí được điều chỉnh theo thời gian trong ngày và mức độ ùn tắc.
ERP đã giúp giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Singapore, giúp chất lượng không khí được cải thiện, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Xe buýt và tàu điện ngầm đã trở thành những lựa chọn phổ biến hơn cho người dân.